Tại sao chiếc áo truyền thống của người miền Nam lại có tên là áo bà ba
Nếu bạn là người hay nghe nhạc và thích tìm hiểu về văn hoá chắc không xa lạ với bài hát “Chiếc áo bà ba” đúng không nào? Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc tại sao những chiếc áo ấy lại có tên là áo bà ba, và chúng bắt nguồn từ đâu không? Nếu bạn cũng có chung thắc mắc ấy, vậy thử cùng tìm hiểu với chúng mình nhé!
1.Nguồn gốc của chiếc áo bà ba
Một số giả thiết về sự ra đời của áo bà bà cho rằng:
- Chiếc áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.Tuy nhiên trong Từ điển Pháp Việt[1] của Trương Vĩnh Ký, tác giả không hề nhắc đến “áo bà ba”.
- Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, trang 24:
“ | Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc. | ” |
Thực tế không có sắc tộc nào được gọi là người Bà Ba với nghĩa “người Mã Lai lai Trung Hoa”. Trên thực tế, chỉ có người Peranakan (Trong tiếng Malaysia và Indonesia, chữ Peranakan đều có nghĩa đen là “hậu duệ”. Khái niệm người Peranakan có nghĩa là “hậu duệ của những người Trung Quốc đến định cư ở những vùng thuộc địa của Anh quốc ở Đông Nam Á.”), thường được gọi là Peranakan Chinese hay Baba-Nyonya, là hậu duệ của những người Trung Quốc nhập cư vào Malaysia từ thế kỷ 15 đến 17.
Ở Malaysia, phụ nữ Peranakan có loại áo cánh khá giống với áo bà ba, gọi là kebaya. Ở Indonesia, người Peranakan cũng có loại áo gần giống với áo bà ba, gọi là kebaya encim (encim có nghĩa là “phụ nữ” trong tiếng Indonesia).
- Có giả thiết lại cho rằng, Áo bà ba có nét giống cái “áo đàn ông cổ tròn và cửa ống tay hẹp” mà Lê Quý Đôn đã quy định cho dân từ Thuận Quảng trở vào ở cuối thế kỷ 18.
- Một quan niệm khác lại cho rằng, “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt… Phải chăng, do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”.
- Ngày xưa, người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thường mặc bộ bà ba đen đi ra đồng. Áo bà ba là chiếc áo không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong của cơ thể người phụ nữ.
Tóm lại, trong những thế kỷ trước, áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Thông qua việc buôn bán, người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được “áo bà ba” như ngày nay.
2.Lịch sử phát triển của chiếc áo bà ba
Áo bà ba thế kỷ 19: áo bà ba được may chủ yếu bằng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go được nhập về Việt Nam và nhuộm màu vải từ lá bàng, vỏ trâm bầu cùng một số loại vỏ cây khác rồi phủ bùn để chống trôi màu khi chưa có thuốc nhuộm vải và kỹ thuật nhuộm vải hiện đại.
Áo bà ba thế kỷ 20: Nữ giới mặc thêm áo túi trong và nam giới mặc thêm áo lá, bên ngoài mặc áo bà ba. Cho đến những năm 1950 trở lại đây thì áo túi và áo lá không còn được sử dụng để làm áo lót nữa.
Áo bà ba hiện đại: là áo bà ba truyền thống được cách tân lên nhiều để phù hợp với thời cuộc cũng như tư duy thẩm mỹ đương đại. Áo bà ba hiện đại không rộng và thẳng áo như trước mà được chiết eo hơn, thể hiện rõ các đường cong trên cơ thể (đặc biệt là áo bà ba nữ). Các chi tiết như cổ áo, khuy áo đều có những thay đổi nhất định theo từng kiểu áo, màu sắc và chất liệu sao cho hài hòa nhất. Do đó, ngày nay, áo bà ba cho chúng ta rất nhiều lựa chọn khác nhau cả về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng thay vì một kiểu dáng với hai màu đen và nâu truyền thống.
Nếu như Áo tứ thân, khăn mỏ quả, nón quai thao là hiện thân của người con gái Kinh Bắc thướt tha. Áo dài cùng nón lá, nón bài thơ là hình ảnh cô gái Huế mộng mơ, quyến rũ, thì áo bà ba, khăn rằn, nón lá là người phụ nữ miền Tây Nam Bộ mộc mạc, đôn hậu.. Vậy nên dù quá trình hình thành và phát triển như thế nào thì áo bà ba ngày nay vẫn chính là một biểu tượng ghi dấu ấn sâu sắc về người phụ nữ miền Nam Việt Nam chịu khó mộc mạc, dễ thương.