Đối đáp khéo léo trước các câu hỏi khó vào dịp Tết
Chắc rằng bạn không ít lần gặp phải tình huống khó xử khi gặp phải họ hàng hỏi han những câu hỏi “khó đỡ”, đặc biệt là dịp tết lại là thời điểm bạn gặp phải tình trạng này càng nhiều hơn. Lúc ấy bạn nên làm như thế nào? Nếu chưa biết, dưới đây chúng mình sẽ bày cho bạn vài cách giúp đối đáp khéo léo trước các câu hỏi khó vào dịp Tết nha!
Nội dung bài viết
1.Có ai yêu chưa/Bao giờ lấy chồng?
Đây là một câu hỏi khó mà bạn gặp cực nhiều mỗi dịp tụ họp gia đình, người thân. Nếu bạn đã sẵn sàng cho chuyện kết hôn, hoặc đang có người yêu, chắc hẳn câu trả lời không còn quá khó.Thực tế, đây cũng là chủ đề khá vui vẻ, không quá căng thẳng, chỉ làm cho câu chuyện ngày Tết trở nên sôi động hơn thôi. Tuy nhiên, 1 – 2 câu thì không sao, còn nếu quá nhiều người hỏi, hỏi liên tục từ năm này qua năm khác thì lại khiến các anh, chị “lười” yêu đương, không thích lập gia đình cảm thấy khó chịu. Thậm chí, họ sợ phải đi chơi, đi chúc Tết chỉ vì muốn tránh những câu hỏi kiểu này.
Lúc này bạn có thể thử chuyển hướng câu chủ đề trò chuyện bằng một câu hỏi như: “Nhắc tới chuyện chồng con, mọi người rất ngưỡng mộ mái ấm hạnh phúc của cô. Cháu cũng tò mò không biết cô và chú gặp rồi yêu nhau như thế nào vậy á?”. Hoặc trả lời theo cách hài hước: “Cháu làm gì đã có người yêu, cháu còn đang sợ ế đây này!” Hoặc là trả lời theo kiểu nước đôi “Năm nay cháu chưa được tuổi, chắc phải để sang năm”.
Còn nếu vẫn bị hỏi dò một cách vô duyên. Khi các câu trả lời trước không làm thỏa mãn người hỏi, bạn có thể đáp “Khi nào chuyện tình cảm có tiến triển gì, cháu sẽ chia sẻ với bác”. Nếu bị hỏi xoáy và rõ ràng không có thiện ý, bạn có thể áp dụng cách thiết lập ranh giới (nhưng không nên dùng khi đang ngồi với một nhóm nhiều người) rằng: “Cháu biết cô rất tò mò và muốn biết chi tiết, nhưng điều đó khiến cháu thực sự thấy khó chịu, vì vậy sau này cô đừng hỏi chuyện đó nữa được không?”.
2. Đang làm gì? Lương cao lắm đúng không?
Câu hỏi về thu nhập và công việc luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm.Đặc biệt là thời điểm Tết khi thu nhập luôn được đưa lên bàn cân so sánh thì vấn đề này càng khiến bạn cảm thấy nhạy cảm.
Nhưng bạn khoan nóng tính mà hãy bình tĩnh và chân thành trả lời câu hỏi: ”Cháu đi làm đủ ăn, đủ tiêu và đủ gửi một ít về cho bố mẹ thôi ạ” như vậy là đã trả lời xong câu hỏi.Hoặc đơn giản,với câu hỏi này bạn chỉ cần mỉm cười nhẹ nhàng trả lời, “Cháu đi làm lương cũng đủ sống ạ” là được. Vừa đáp ứng đúng tiêu chuẩn nhanh, gọn, lẹ mà vẫn hài lòng người hỏi cũng như vừa làm tròn đúng với trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.
Còn trong trường hợp khi bạn trả lời các câu hỏi trên. Nhưng vẫn bị nhận lại câu hỏi “Đủ sống là mấy triệu?”, bạn hãy bắt đầu trình bày thật dài.
“Thu nhập của cháu nếu xét về lương cơ bản thì cũng đủ nhu cầu cần thiết mỗi tháng nhưng mà nhiều khi điện nước tháng nhiều tháng ít, mà ở trên thành phố nhiều khi cháu cũng đi cà phê, ăn uống rồi thì bạn bè mời cưới xin thì lương của cháu cũng phải hụt đi một ít. Có năm thì thưởng lương tháng 13, năm nay doanh nghiệp cháu hơi khó khăn nên không có lương tháng 13, nhưng nói chung vẫn duy trì được. Được cái tiền thuê nhà, do dịch bệnh nên giá cũng giảm, mà bác không biết đâu ở trên thành phố bây giờ các cửa hàng, mặt bằng giảm giá cũng không ai thuê, ngày xưa muốn thuê cũng khó vì đắt mà, bây giờ thì… bla bla bla”
Hãy cố gắng nói thật nhiều thứ thật lan man dài dòng để người hỏi quên mất chủ đề mà họ đang hỏi, đây gọi là “nghệ thuật đánh lạc hướng”.
3.Dạo này béo lên à?”, “Nên ăn ít ăn ít lại đi”
Dù người nói những câu đó có ý chê bai hoặc đơn giản quan tâm đến sức khỏe của bạn, thì việc đánh giá ngoại hình và nhận xét về những gì người khác đang ăn là điều khiếm nhã.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng những bình luận về đồ ăn hay cân nặng thường nói lên nhiều điều về người đưa ra nhận xét đó thay vì đối tượng họ đề cập. Thực tế, người ta chỉ tập trung vào ngoại hình và chế độ ăn của họ nhưng lại đưa ra nhận xét về người khác.
Lúc này bạn có thể tham khảo một vài cách trả lời như sau: “Dạ bố mẹ con nấu đồ Tết ngon quá, không ăn thì kỵ và lãng phí lắm cô/chú ạ.” Hoặc đơn giản là “Cháu vẫn như năm ngoái”
Hoặc bạn có thể trả lời một cách thoải mái về quan điểm của mình như: “Em biết anh/chị thích ăn kiêng và dáng người mảnh mai, nhưng em rất yêu đồ ăn nên không muốn nói thêm về chủ đề này nữa”.
Bạn cũng có thể chọn phản đối một cách nhẹ nhàng: “Xin lỗi, nhưng cháu không tập trung vào cân nặng của mình”.
Nếu đối phương vẫn tiếp tục nói để khiến bạn xấu hổ về ngoại hình của mình và bạn thấy không thoải mái, hãy rời khỏi cuộc trò chuyện đó.
4.“Thưởng tết nhiều không?”
Lại thêm một câu hỏi vô cùng khoai về thu nhập.Đây được xem là một câu hỏi không hay và rất thiếu tế nhị đối với người được hỏi. Tuy nhiên nếu không thích bị đem câu chuyện này làm trò đùa hay bàn tán cũng như so sánh với những người khác, thì bạn có thể nói một cách khéo léo nhưng vẫn không đem ra một con số cụ thể.
Bạn nên trả lời câu hỏi như dưới đây: “Dạ công ty cháu cũng thưởng Tết sương sương thôi ạ chứ cũng chẳng có bao nhiêu”
5.Những lưu ý khi trả lời câu hỏi khó vào dịp Tết
- Tuyệt đối không nổi cáu, thể hiện sự chán nản, phiền toái dù bản thân đang khó chịu, không vui. T
- hái độ cần phải lịch sự, trả lời các câu hỏi một cách đơn giản, ngắn gọn.
- Luôn mỉm cười trước những câu hỏi của mọi người.
- Trước những câu hỏi “hóc búa”, bạn hãy làm sao để điều hướng sang câu chuyện của mình, thậm chí là hỏi lại mọi người. Khi bạn có thái độ tốt để ứng xử thì dù đáp án như thế nào, không như kỳ vọng thì họ hàng, người thân cũng sẽ nhanh chóng bỏ qua, không nhắc đến nữa.
- Bên cạnh thái độ tốt, bạn cũng cần biết cách để đối đáp với mọi người sao cho thật khéo léo, tế nhị,
Ví dụ như khi được hỏi “bao giờ lấy chồng?”, bạn có thể đối đáp lại là “dạ vâng, cháu đang đợi anh A nhà bác mà mãi không anh qua hỏi cưới”. Với cách xử lý dí dỏm này, người hỏi thường sẽ chuyển hướng qua tâm sự, kể lể hoặc khoe con họ. Và như vậy, bạn sẽ chỉ im lặng nghe, câu chuyện sẽ dần kết thúc mà không có bất kỳ căng thẳng, mệt mỏi nào. Đối với những chủ đề vui vẻ, bạn có thể dễ dàng điều hướng, song với những câu hỏi nghiêm túc như là công việc, sự nghiệp thì bạn cũng nên có câu trả lời nghiêm túc. Ví dụ như câu hỏi “giờ đang làm gì? Lương tháng bao nhiêu?” thì bạn cũng nên trả lời thẳng là “cháu đang làm kế toán, lương tháng đủ ăn, đủ tiêu” rồi nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác.
Tất nhiên, cũng có những người chỉ hỏi xã giao nên bạn không cần quá quan trọng hóa, bạn đã trả lời là họ sẽ dừng lại thôi. Còn nếu bạn “xui xẻo” gặp phải những người thích điều tra, dò hỏi kỹ thì “trong 36 kế, chuồn là thượng sách”, hãy tìm cách để rời khỏi cuộc trò chuyện đó nhé.
Trên đây là một vài gợi ý của chúng mình về cách đối đáp lại các câu hỏi khó vào dịp tết.Hy vọng với những điều chúng mình chia sẻ có thể cho các bạn thêm những gợi ý thú vị về cách đối đáp. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho bài viết.
Đừng bỏ lỡ:6 món ăn đặc trưng của cỗ Tết miền Trung