Thời trang

Câu chuyện thành công của Gucci qua 100 năm lịch sử

Dù không là một tín đồ của thời trang cao cấp, bạn cũng không còn xa lạ gì với thương hiệu thời trang -Gucci. Đã có hơn trăm năm lịch sử, Gucci trải qua thăng trầm cùng với biến động của thế giới. Để đến nay, câu chuyện thành công của Gucci vẫn đáng là một trong những câu chuyện tiêu biểu cho nghệ thuật bán hàng cao cấp. Cùng với chúng mình tìm hiểu câu chuyện thành công của Gucci và xem chúng ta học được gì từ nhà mốt này nhé!

House of Gucci: Câu chuyện về bi kịch gia đình lớn nhất trong làng thời trang - Chau Bui

Câu chuyện ra đời đầy tình cờ

Không có nhiều thương hiệu thời trang được coi là hòa quyện tinh hoa của ba trung tâm thời trang lớn nhất thế giới là Italy, Anh và Pháp, và Gucci là một trong những số ít đó. Được sáng lập bởi Guccio Gucci (1881 – 1953) tại thành phố Florence của Italy.

Việc Gucci được ra đời hết sức tình cờ. Người sáng lập ra Gucci – Guccio Gucci còn đang làm nhân viên khách sạn tại Londons Savoy Hotel trong những năm đầu thế kỷ 20.

Bằng cặp mắt tinh tường, Guccio đã phát hiện ra một nghịch cảnh khá thú vị: trong khi các quý ông, quý bà lui tới khách sạn này thường diện trên mình những bộ xiêm y sang trọng, nhưng vẻ ngoài của họ lại không thể hoàn hảo bởi họ thiếu những chiếc vali và túi xách xứng tầm để đựng đồ trong những chuyến đi dài ngày.

Học hỏi những nhu cầu từ giới thượng lưu, Guccio Gucci quyết định sẽ mở thương hiệu phụ kiện đồ da của riêng mình. Thế là anh trở về quê hương Florence, nơi có nguồn vật liệu chất lượng cao và những người thợ thủ công khéo léo. Năm 1921, cửa hàng Gucci buôn bán vali và phụ kiện cưỡi ngựa chính thức ra đời trên con đường via della Vigna Nuova.

Từ chỗ chỉ bán va li, túi xách và trang phục cưỡi ngựa, Guccio mở rộng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của giới giàu. Ông nhận thấy rằng các khách hàng giàu có của mình ưa thích sự đồng bộ: họ muốn sở hữu những sản phẩm đến từ cùng một thương hiệu, với sự tương đồng về màu sắc và hình ảnh logo, yên ngựa, dây cương, cho tới khăn quàng cổ, giày, túi xách, mũ, áo… Và Gucci đã trở thành hãng thời trang đầu tiên đáp ứng nhu cầu đồng bộ đó của khách hàng.

Vượt qua thế chiến thứ II đầy giông bão

Guccio Gucci có ba người con trai: Aldo Gucci, Vasco Gucci và Rodolfo Gucci. Cùng nhau, họ mở rộng kinh doanh. Mỗi người con của Guccio Gucci mang lại một đóng góp khác nhau cho thương hiệu.

Con cả Aldo Gucci (sinh 1905) chính là người đã thiết kế logo cho công ty gia đình. Logo gồm hai chữ G, chữ cái đầu trong tên của Guccio Gucci.

Thế chiến thứ II bùng nổ dẫn đến sự khan hiếm của da thuộc. Đối với một thương hiệu tự hào về truyền thống thuộc da như Gucci, tưởng như đây sẽ là dấu chấm hết cho công ty gia đình. Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn. Gia tộc Gucci đã khéo léo chuyển sang những vật liệu khác, như vải canvas dệt từ cotton và đay, hay dùng tre để làm quai túi xách năm 1947. Để khiến các sản phẩm của mình khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, họ thiết kế nên họa tiết quả trám – mà Gucci gọi là monogram Diamante – lên nền vải canvas.

Lên đỉnh vinh quang kể từ thập niên 50 của thế kỷ XX

Thế chiến thứ II chấm dứt. Nhu cầu sử dụng hàng xa xỉ tăng cao. Hậu thế chiến, Gucci trở về với sản xuất phụ kiện da thuộc, nhưng họ cũng song song phát triển các mặt hàng bằng chất liệu canvas.

Các con trai hỗ trợ Guccio Gucci mở rộng hệ thống cửa hàng tại Ý, với những địa điểm mới mọc lên tại Milan và Rome. Aldo cũng tiên phong đưa Gucci ra quốc tế. Cửa hàng quốc tế đầu tiên trong lịch sử Gucci là ở New York, mở cửa năm 1953. Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi cửa hàng New York mở cửa, ông Guccio Gucci qua đời. Thương hiệu chính thức truyền lại cho các con trai ông.

Vào những năm 1960, nhà mốt này “gây sốt” với hàng loạt bộ sưu tập thời trang cao cấp nối tiếp nhau ra đời. Các ngôi sao ở kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood xem Gucci là thương hiệu đồng nghĩa với “chic”, có nghĩa là sang trọng và lịch sự.

Vào thập niên 1970, Gucci bắt đầu cuộc “đổ bộ” tới châu Á bằng cách mở các cửa hiệu đầu tiên ở Tokyo và Hồng Kông. Trong giai đoạn này, nhà mốt tiếp tục tăng tính đa dạng của sản phẩm, chú trọng việc tạo ra những mẫu mã đặc biệt, nhưng vẫn duy trì nguyên tắc vật liệu cao cấp. Những mẫu mã cổ điển được điều chỉnh về hình dáng và màu sắc cho hiện đại, những dòng sản phẩm mới cũng được tung ra.

Giai đoạn khủng hoảng thương hiệu những năm 1980

Khi cháu nội Maurizio của Guccio được trao nhiệm vụ điều hành nhà mốt vào thập niên 1980 thì hoạt động kinh doanh bắt đầu đi xuống. Maurizio đã ngay lập tức sa thải người chú Aldo, người đã giúp mang lại những thành công vượt bậc cho thương hiệu Ý suốt hai thập niên qua. Một phần vì Aldo đang phải ngồi tù vì tội trốn thuế. Một phần khác vì Maurizio có những ý tưởng phát triển thương hiệu khác với Aldo. Marizio cũng đá khỏi công ty tất cả thành viên khác của gia tộc để ôm trọn công ty.

Tuy nhiên việc kinh doanh không còn hiệu quả, năm 1988, Maurizio phải bán lại toàn bộ sản nghiệp gia đình cho tập đoàn Investcorp. Hiện nay, nhãn hiệu Gucci thuộc về tập đoàn Kering của Pháp – một “đế chế” đồ hiệu do tỷ phú Francois Pinault sáng lập.

Ông Maurizio Gucci, ảnh chụp năm 1981. Ảnh: Getty Images

Giai đoạn xây dựng lại thương hiệu Gucci

Năm 1989, Gucci mời Dawn Mello làm biên tập và thiết kế dòng quần áo may sẵn. Mục đích việc này nhằm cải tổ và lấy lại danh tiếng cho thương hiệu. Dawn Mello thấy rõ dù thương hiệu xuống cấp, nhưng giá trị của nó vẫn tiềm năng.
     

Bà Dawn Mello bên những sản phẩm Gucci, vào năm 1990. Ảnh: Getty Images

Năm 1990, nhà thiết kế thời trang lừng danh Tom Ford gia nhập Gucci, và 3 năm sau đó, ông trở thành Giám đốc sáng tạo của hãng. Nhờ sự tài tình của Tom Ford, thương hiệu Gucci – từng có giai đoạn bị coi là “hết thời” vào đầu thập niên 1990 – đã dần lấy lại sức mạnh và phủ sóng trên phạm vi toàn cầu.

Sau hơn một thập kỷ tạo dựng cho Gucci một đẳng cấp mới, vào năm 2006, Tom Ford rời khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo và người thay thế là nhà thiết kế phụ kiện Frida Giannini.Dưới sự chỉ đạo của PPR, Frida Giannini đã lược giảm tính táo bạo của thiết kế Gucci. Nhà mốt trở nên lãng mạn và duyên dáng hơn. Frida Giannini cũng thích vay mượn những phong cách trong quá khứ của Gucci, tân trang và áp dụng chúng vào các bộ sưu tập mới. Các bộ sưu tập trở nên thiếu sự nhất quán trong phong cách thiết kế.Bên cạnh đó, ban giám đốc Gucci cũng quyết định giảm thiểu tần suất sử dụng họa tiết GG (họa tiết truyền thống của Gucci).Hệ quả là dưới thời Frida Giannini, Gucci trở nên mờ nhạt. Doanh số dần sụt giảm từ năm 2012 trở đi. Năm 2014, Gucci sa thải Frida Giannini (dù tuyên bố với truyền thông là cô xin từ chức).

Từ năm 2014 đến nay, vị trí Giám đốc sáng tạo của Gucci được đảm nhiệm bởi nhà thiết kế Alessandro Michele.

Chính Michele đã thổi “luồng sinh khí mới” vào Gucci sau một thời gian dài mà những sáng tạo của Giannini bị xem là mờ nhạt, thiếu sức thuyết phục. Ông đã làm sống dậy trào lưu logo, đặt họa tiết và logo Gucci lên trên túi xách và thậm chí cả trang phục. Ông còn tạo thêm những mẫu túi nổi tiếng, chẳng hạn Sylvie và Dionysus, mở ra một kỷ nguyên mới của Gucci bằng sự dung hòa giữa tính thời trang và đa dụng của sản phẩm, để người dùng vừa sử dụng trong những buổi tiệc tùng và ở văn phòng.

Nhìn lại lịch sử 100 năm phát triển của Gucci với bài học thành công nào cho bạn

Tồn tại hơn 100 năm lịch sử không phải là điều mà thương hiệu nào cũng làm được. Có thể thấy Gucci thành công được bởi 3 nguyên nhân sau:

Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng: Gucci biết được khách hàng của mình thiếu gì, cần gì và muốn gì? Từ đó phát triển sản phẩm đúng theo đúng thị hiếu người dùng.Trong những tháng ngày lưu lạc tại Paris và London; Guccio Gucci đã nhận thấy cưỡi ngựa và đi du lịch là mốt thời thượng của giới quý tộc. Và cái họ cần không phải là những món đồ diêm dúa; màu mè mà là những món đồ sang trọng; lịch thiệp gọn nhẹ. Hơn nữa, cái họ thích là tất cả đồng bộ; từ vật dụng cưỡi ngựa đến túi sách và vali cho những chuyến đi; đều phải “match” với nhau. Và Gucci là hãng đầu tiên đáp ứng được nhu cầu tất cả trong một đó.

Tập trung vào đúng đối tượng khách hàng tiềm năng: Từ khi ra đời cho đến 100 năm lịch sử, dù trải qua biến động của thời cuộc, Gucci luôn nhất quán sản phẩm của mình là dành cho đối tượng nào, ở phân khúc nào.Các khách hàng lớn đầu tiên của thương hiệu thời trang Gucci là các nhà quý tộc mê cưỡi ngựa. Đó là lí do cho biểu tượng móng ngựa gắn liền với thương hiệu. Guccio Gucci làm quen với phong cách sống của giới thượng lưu trong xã hội; nhận biết nhu cầu của tầng lớp giàu sang phú quý; hiểu biết quan điểm và mong muốn của họ về cái đẹp. Trong một thời gian dài, Gucci trở thành thương hiệu của những nhân vật tên tuổi; những ngôi sao điện ảnh lớn. Điển hình như Elizabeth Taylor hay Jackie Onassis.

Không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy nhưng luôn nhất quán trong giá trị cốt lõi . Lịch sử phát triển của Gucci trải qua quá nhiều biến động: Chiến tranh thế giới, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi giám đốc sáng tạo,… đã kéo theo những thay đổi về phong cách của Gucci: Tom Ford với phong cách quyến rũ, lịch lãm; Frida Giannini với một chút cầu kỳ phức tạp ở các chi tiết; Alessandro Michele với phong cách nữ tính, điệu đà pha trộn thần thái Bohemian. Nhưng Gucci vẫn giữ cho mình nét thiết kế cốt lõi đó là dải màu xanh, đỏ, xanh; và khóa horsebit (hàm thiết ngựa) được trang trí trên những đôi giày Moccasin.

Dĩ nhiên để tạo nên thành công như ngày hôm nay còn phải hội tụ của rất nhiều yếu tố khác. Nhưng có thể nói Gucci đã thành công với lối tư duy kinh doanh đúng đắn của mình. Bài học của Gucci chắc chắn sẽ áp dụng được phần nào đối với các lĩnh vực kinh doanh khác trong cuộc sống. Hy vọng rằng câu chuyện thành công của Gucci mà chúng mình chia sẻ sẽ mang lại cảm hứng cho bạn với công việc kinh doanh của bạn trong tương lai. 

Chúc các bạn thành công!

Rate this post
Back to top button